Thứ hai, 04/11/2024 07:50:35

Cục Bưu điện Trung ương phải giữ được sự đặc biệt của mình

Cập nhật | 24-02-2024
Nhấn mạnh sự đặc biệt có ý nghĩa sống còn với Cục Bưu điện Trung ương, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Cục giữ cho được điều này, bao gồm cả con người đặc biệt, công nghệ đặc biệt, hạ tầng đặc biệt cũng như dịch vụ đặc biệt.
 
Cục Bưu điện Trung ương phải bước vào cuộc đổi mới
 
Chiều ngày 19/1, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã thăm và làm việc với Cục Bưu điện Trung ương - đơn vị thông tin đặc biệt trực thuộc Bộ. Tham gia buổi làm việc còn có Thứ trưởng Phạm Đức Long và lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị trong Bộ TT&TT.
 
 
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng giải đáp, định hướng cách làm cho các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Cục Bưu điện Trung ương. (Ảnh: Chí Hiếu)
 
Trong gần 60 năm hoạt động, Cục Bưu điện Trung ương có 30 năm trực thuộc Tổng cục Bưu điện, 20 năm trực thuộc VNPT và 8 năm dưới ‘mái nhà’ Bộ TT&TT. Qua các giai đoạn, đơn vị đã có nhiều bước trưởng thành, vị thế ngày càng được củng cố.
 
Trong 3 năm gần đây, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Chiến lược phát triển Cục Bưu điện Trung ương giai đoạn 2021 - 2025, với sự đoàn kết và nỗ lực, tập thể Cục Bưu điện Trung ương đã đạt được một số kết quả nổi bật như: Công tác đảm bảo thông tin liên lạc cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước được an toàn, thông suốt trong mọi tình huống; đạt được các kết quả bước đầu về mở rộng không gian phục vụ; có bước tiến đáng kể trong lộ trình hoàn thiện cơ sở pháp lý để từ đó đảm bảo triển khai Chiến lược đạt yêu cầu.
 
Nêu yêu cầu Cục Bưu điện Trung ương phải đổi mới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ: Ngành TT&TT đang thay đổi một cách rất căn bản, là cơ quan của Bộ có trách nhiệm phục vụ các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Cục Bưu điện Trung ương cũng phải thay đổi. Ngành TT&TT đã tuyên bố bước vào cuộc đổi mới lần 2, vì thế Cục Bưu điện Trung ương cũng phải bước vào cuộc đổi mới. “Cuộc đổi mới lần 2 là biến hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, hạ tầng của nền kinh tế, hạ tầng quản trị quốc gia. Cục Bưu điện Trung ương phải trở thành hạ tầng số của Đảng, Chính phủ”, Bộ trưởng chỉ đạo.
 
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cùng đoàn công tác thăm Trung tâm điều hành, giám sát Mạng truyền số liệu chuyên dùng (Ảnh: Chí Hiếu)
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã phổ biến đến tập thể Cục Bưu điện Trung ương các chuyển dịch quan trọng trong cuộc đổi mới lần 2 của ngành TT&TT cũng như của đất nước, bao gồm: Sự chuyển dịch từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số, từ hạ tầng thông tin liên lạc sang hạ tầng của nền kinh tế; từ CNTT sang công nghệ số; từ ứng dụng CNTT sang chuyển đổi số; từ tự động hóa sang thông minh hóa, trí tuệ nhân tạo; từ việc xử lý thông tin hữu hạn sang xử lý dữ liệu số vô hạn để sinh ra giá trị mới; từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số, từ gia công lắp ráp sang làm sản phẩm Make in Viet Nam.
 
Trên cơ sở phân tích những chuyển dịch quan trọng của cuộc đổi mới lần 2, người đứng đầu ngành TT&TT khẳng định: Chưa bao giờ hạ tầng bưu chính, viễn thông có những chuyển biến quan trọng và có sứ mệnh lớn lao với sự phát triển đất nước như hiện nay. Do đó, Cục Bưu điện Trung ương, nhất là người đứng đầu đơn vị, phải nhận thức sâu sắc những sự chuyển dịch này, coi đó như ‘kim chỉ nam’, ‘ngôi sao dẫn lối’.
 
Bộ trưởng chỉ rõ, Cục Bưu điện Trung ương cần chuyển đổi sang tổ chức phải nghiên cứu để phát triển các ứng dụng trên nền tảng của những hạ tầng mới, công nghệ mới. Cục có thêm nghề tạo ra những ứng dụng mới, đặc biệt mà các đơn vị làm dịch vụ công cộng không có. Trong điều kiện không có người làm nghiên cứu phát triển, đơn vị có thể đặt ra bài toán và đi thuê hoặc hợp tác với doanh nghiệp để phát triển các ứng dụng số nhằm tạo ra những dịch vụ đặc biệt cung cấp cho cơ quan nhà nước. Trong trung và dài hạn, Cục Bưu điện Trung ương cần chuyển đổi, mở ra không gian mới để tăng cường vai trò vị thế của mình.
 
Theo Bộ trưởng, thuận lợi lớn để việc thay đổi Cục Bưu điện Trung ương trở nên dễ dàng, là Cục có những ‘con người đặc biệt’ tận tụy, trung thành, tin vào lãnh đạo. Vì thế, khi người đứng đầu quyết định chuyển đổi, đội ngũ nhân sự sẽ nhanh chóng thay đổi.
 
Giữ sự đặc biệt về nhân sự như giữ 'con ngươi trong mắt'
 
Trao đổi với các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Cục Bưu điện Trung ương, người đứng đầu ngành TT&TT chỉ đạo về các định hướng phát triển Cục. Đó là: Phát triển cả ‘2 chân’ gồm con người đặc biệt và công nghệ đặc biệt, kết hợp truyền thống và hiện đại, kế thừa truyền thống quá khứ nhưng phải kể được câu chuyện của thế hệ hiện tại; thể chế hóa cho hoạt động của 1 cơ quan nhà nước; mở rộng không gian, xuyên suốt ‘4 cấp +’ với phần cộng thêm là mạng nội tỉnh ở các địa phương lớn; chuyển dịch từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số, chủ yếu là hạ tầng dữ liệu, hạ tầng tính toán; không chỉ cung cấp hạ tầng mà còn cung cấp cả dịch vụ cho các cơ quan Đảng, Nhà nước; đi đầu về công nghệ để dẫn dắt, thúc đẩy đất nước phát triển; hình thành hệ thống tiêu chuẩn riêng về hạ tầng, dịch vụ để đảm bảo sự ‘đặc biệt’ của đơn vị; đảm bảo làm đúng theo quy định và làm tốt, hiệu quả.
 
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Cục Bưu điện Trung ương không chuyển đổi, không mở ra không gian mới thì sẽ không có tương lai. (Ảnh: Chí Hiếu)
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra 3 việc mới Cục Bưu điện Trung ương phải tập trung làm thời gian tới là mạng điện thoại đặc biệt, xây dựng hạ tầng dữ liệu, hình thành hệ thống thông tin bảo mật để đảm bảo cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi công tác nước ngoài. 
 
Nhắc lại về nội hàm khái niệm cũng như yêu cầu với hạ tầng số Việt Nam, Bộ trưởng chỉ đạo: hạ tầng của Cục Bưu điện Trung ương cũng phải đi trước một bước để phục vụ cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, phải tiến hóa cùng với sự phát triển của ngành và phải là hạ tầng đặc biệt, khác với hạ tầng của các doanh nghiệp kinh doanh. Mạng của Cục phải hơn mạng công cộng, nhất là về tính bảo mật, tính chống chịu cao và tạo ra những dịch vụ chất lượng tốt. Cấp độ an toàn các hệ thống thông tin của Cục không phải là 5 mà phải là ‘5 cộng’.
 
Một lần nữa nhấn mạnh về sự ‘đặc biệt’, Bộ trưởng cho rằng, Cục đang có những con người đặc biệt, có lòng trung thành, dũng cảm, tận tụy, vượt khó, kỷ luật và đề nghị đơn vị phải giữ cho được sự đặc biệt này, giống như giữ con ngươi của mắt.
 
Không chỉ nêu định hướng, Bộ trưởng còn hướng dẫn cách làm cho tập thể Cục, trong đó nhấn mạnh đến việc phải sử dụng công nghệ, nhất là AI để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng công việc, nâng cao sự đặc biệt của đơn vị, tạo sự đồng đều về mặt trình độ cho đội ngũ nhân sự và giúp người lao động đỡ vất vả hơn.
 
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Phạm Đức Long cùng lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể Cục Bưu điện Trung ương. (Ảnh: Chí Hiếu)
 
Ở phần trao đổi, trước băn khoăn về chất lượng không đồng đều của đội ngũ nhân sự tại Cục, Bộ trưởng khẳng định đây là bài toán bất kỳ tổ chức nào cũng gặp và gợi mở cách làm mới là mua trợ lý ảo, đưa tri thức về công việc của Cục Bưu điện Trung ương vào nó nhằm giúp các nhân sự khi làm việc có thể hỏi trợ lý ảo. Qua đó, sẽ nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của đơn vị.
 
Giải đáp câu hỏi của lãnh đạo Cục về cách để giáo dục lịch sử truyền thống cho đội ngũ nhân sự, nhất là các nhân sự mới, Bộ trưởng chỉ rõ, việc này cũng cần phải đổi mới. Cách giáo dục hiệu quả hiện nay là, bên cạnh việc ‘làm gương’ qua những việc cụ thể, cần giao việc khó để nhân sự phải tìm cách thực hiện và qua tìm hiểu cách làm của các thế hệ trước mà nhân sự đó hiểu về truyền thống đơn vị.
 
Tiếp thu chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Cục trưởng Cục Bưu điện Trung ương Trần Duy Ninh cam kết đơn vị sẽ nỗ lực hết mình để đổi mới hoạt động và khẳng định duy trì sự đặc biệt không chỉ là định hướng mà còn là mệnh lệnh, là vấn đề sống còn của Cục trong thời gian tới.
 
Theo Vietnamnet.vn

 

Tin tức khác: