Thứ bảy, 23/11/2024 02:22:36

Cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020 có thể cung cấp dịch vụ Mobile Money cho khách hàng

Cập nhật | 07-11-2019

Cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020 có thể cung cấp dịch vụ Mobile Money cho khách hàng.

"Chúng tôi hy vọng vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11, Thủ tướng sẽ phê duyệt chủ trương đồng ý cho các doanh nghiệp viễn thông triển khai thử nghiệm Mobile Money. Sau khi có ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng với Bộ TT&TT hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông nộp hồ sơ để Ngân hàng Nhà nước xét duyệt cấp phép thí điểm cung cấp dịch vụ này cho khách hàng. Với tiến độ như hiện nay, chúng tôi hy vọng đến cuối năm 2019 và đầu năm 2020 các doanh nghiệp viễn thông có thể ra mắt dịch vụ cung cấp cho khách hàng" ông Trần Duy Hải nói.

Theo thống kê hiện nay hơn 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, vì vậy Mobile Money góp phần cung ứng cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện thay vì phải trực tiếp đến các cơ sở của ngân hàng thực hiện giao dịch  từ đó góp phần làm tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ. Khách hàng chỉ cần thao tác trên điện thoại di động hoặc đến các đại lý, điểm giao dịch gần nhất và không bị giới hạn về thời gian, địa điểm giao dịch. Dịch vụ Mobile Money khi được cung cấp sẽ góp phần thay đổi dần thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân vẫn còn khá phổ biến hiện nay. Ngay sau khi được Ngân hàng nhà nước cấp phép cho các, doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ Mobile Money thì chỉ sau một đêm, 100% các thuê bao di động của Việt Nam có thể tham gia thanh toán điện tử một cách thuận lợi theo phương thức mới.

Ông Trần Duy Hải cho rằng, Mobile Money sẽ giúp thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển tài chính toàn diện đến những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là những khu vực mà hệ thống tài chính, ngân hàng chưa phát triển, người dân chưa hoặc không có khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng; tận dụng hạ tầng viễn thông, do đó, giúp giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng các dịch vụ ngân hàng truyền thống, qua đó góp phần nâng mức sống người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đối với các doanh nghiệp viễn thông sẽ tận dụng được mạng lưới viễn thông, các điểm giao dịch rộng khắp cả nước để phát triển và đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, dịch vụ và đối tượng khách hàng ngoài các dịch vụ viễn thông truyền thống). Do vậy, doanh nghiệp viễn thông có thể mở rộng dư địa để tăng doanh thu và nâng cao khả năng cạnh tranh.

"Một điểm rất quan trọng trong dự thảo cung cấp thí điểm dịch vụ Mobile Money là cho phép các thuê bao không cần có tài khoản ngân hàng mà vẫn sử dụng được dịch vụ này. Các thuê bao có thể nạp tiền vào tài khoản Mobile Money ở các ngân hàng và các điểm đại lý của doanh nghiệp viễn thông để sử dụng dịch vụ cho mình. Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ quản lý tài khoản tổng của các doanh nghiệp viễn thông để tránh rủi ro trong thanh toán", ông Hải nói.

Vẫn theo ông Trần Duy Hải, những thuê bao muốn được cung cấp dịch vụ này sẽ phải có thông tin thuê bao chính xác để định danh được. Bộ TT&TT cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông nếu không có thông tin thuê bao chính xác sẽ không được cung cấp dịch vụ này. Vì vậy, các nhà mạng phải nhanh chóng hoàn thiện việc chuẩn hóa thông tin thuê bao của khách hàng.

Cho đến thời điểm này, cả nhà nhà mạng lớn là Viettel, VNPT và MobiFone đều đã chính thức đề xuất Chính phủ sớm có chính sách cho doanh nghiệp viễn thông tham gia vào thanh toán điện tử Mobile Money. Mobile Money - hình thức sử dụng tài khoản di động để thanh toán là hết sức khả thi trong giai đoạn hiện nay với tỉ lệ ngườii dân đều sở hữu điện thoại di động cao đến hơn 90%. Phát triển thanh toán qua di động có thể sẽ là một cú huých cho sự phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam. Mobile Money là một giải pháp mới để hỗ trợ chuyển đổi số và là một trong những phần quan trọng của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo đại diện của Viettel Telecom, việc sử dụng tài khoản thuê bao di động để tiêu dùng giá trị nhỏ được áp dụng rộng rãi tại nhiều nước như Nhật Bản, Singapore và các nước thuộc liên minh châu Âu. Trong đó, việc ứng dụng tập trung ở các loại giao dịch như: Thanh toán trên các trang thương mại điện tử, nạp tiền vào ví điện tử, thanh toán phí dịch vụ giao thông công cộng, phí đỗ xe tại nhiều nước châu Âu, nhiều loại hình giao dịch có giá trị nhỏ như dịch vụ truyền hình, thẻ quà tặng, thanh toán tại các cửa hàng bán lẻ, thanh toán các dịch vụ nội dung số như Game, chợ ứng dụng. Tại các nước giao dịch sử dụng tài khoản thuê bao di động cao gấp 5 lần sử dụng tài khoản ngân hàng.

ICTNew

Tin tức khác: