Thứ bảy, 23/11/2024 07:59:44

Sự dũng cảm, tiên phong sáng tạo đã làm nên Bộ TT&TT

Cập nhật | 31-08-2022

(Mic.gov.vn) - Nhân kỷ niệm 77 năm thành lập ngành Thông tin & Truyền thông, VietNamNet đã có buổi trò chuyện với ông Lê Doãn Hợp – nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông. Ông Lê Doãn Hợp là Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Thông tin & Truyền thông sau khi Bộ này được thành lập trên cơ sở sát nhập Bộ Bưu chính Viễn thông và toàn bộ Khối Báo chí, Xuất bản của Bộ Văn hóa - Thông tin trước kia. Trong cả nhiệm kỳ công tác trên cương vị Bộ trưởng (từ tháng 8/2007-8/2011), ông Lê Doãn Hợp đã có nhiều đóng góp quan trọng suốt những năm đầu thành lập Bộ. Ông cũng là người đặt nền móng cho sự thành công của Bộ Thông tin & Truyền thông sau này.

VietNamNet: Là vị Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Bộ, ông có thể cho biết bối cảnh dẫn đến quyết định lịch sử này?

Ông Lê Doãn Hợp: Khi thành lập Bộ TT&TT, có một ý tưởng bao trùm, đó là sự gắn kết giữa khối nội dung và hạ tầng. Điều này cũng giống với việc làm đường băng gắn với máy bay, làm đường sắt gắn với toa tàu, làm đường bộ gắn với ô tô. 

Điều này dẫn đến quyết định của Chính phủ là tách khối báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa Thông tin sang nhập với Bộ Bưu chính Viễn thông để thành lập Bộ mới, lấy tên là Bộ Thông tin &Truyền thông. Thông tin ở đây là báo chí, còn truyền thông là hạ tầng viễn thông và CNTT. 

Việc Bộ Bưu chính Viễn thông trước kia có thêm mảng báo chí, in và phát hành đã tạo ra sự chủ động giữa khâu nội dung và truyền tải. Điều này cũng phù hợp với thời đại mới, khi viễn thông và CNTT đang phát triển rất nhanh. Đó là ý tưởng dẫn đến việc thành lập Bộ TT&TT sau này. 

VietNamNet: Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của Bộ TT&TT nói riêng và ngành TT&TT nói chung sau 15 năm nhìn lại? 

Ông Lê Doãn Hợp: Tất cả những ai được làm việc trong Bộ TT&TT là một may mắn và diễm phúc bởi ở đây có 3 giá trị cốt lõi. 

Thứ nhất, đây là một Bộ có bề dày 77 năm truyền thống vẻ vang. Trong chiến tranh, hòa bình rồi đổi mới và hội nhập quốc tế, Bộ TT&TT đã để lại nhiều thành quá, dấu ấn không thể phai mờ với đất nước và dân tộc. 

Bộ TT&TT cũng là Bộ luôn đi tiên phong, trong chiến tranh cũng như hòa bình, đặc biệt là trong thời đại khoa học kỹ thuật và khoa học công nghệ, kể cả trong thời đại công nghiệp lần thứ 4 hiện nay. 

Đây cũng là Bộ đoàn kết, hợp lực và đã xây dựng nên một bề dày truyền thống với 10 chữ vàng, đó là Trung thành, Dũng cảm, Sáng tạo, Tận tụy và Nghĩa tình.

Trong những năm gần đây, Bộ TT&TT còn nổi bật vai trò dũng cảm, sáng tạo và tiên phong.

Dũng cảm là dám hành động, không đi theo lối mòn mà đòi hỏi phải có sự bứt phá, dẫn đầu, tăng tốc. Để đổi mới phải có sự dũng cảm, không dũng cảm sẽ không làm được. 

Việc khó muốn thành công thì phải nhảy vào để tóe ra. Có thể ra luôn hoặc sẽ ra dần, ra bài học, ra cách làm, ra sản phẩm và quan trọng nhất là ra chính bản thân mình. 

Đổi mới thì phải sáng tạo và có sáng tạo thì mới đúng nghĩa là đổi mới. Trong hành động của một ngành tiên phong là phải sáng tạo. 

Với tiên phong, viễn thông là phải tiên phong, CNTT phải tiên phong, ứng dụng CNTT cũng thế và bây giờ với chuyển đổi số cũng phải tiên phong. Tiên phong là dũng cảm đi trước, nhưng không phải mò mẫm. Đó là sự dấn thân đi trước có khoa học, có tính toán và có niềm tin. 

VietNamNet: Trong 15 năm đó, những đóng góp của ngành TT&TT có lẽ là không nhỏ. Dưới con mắt của ông, Bộ đã có những thành công gì và có điều gì khiến ông cảm thấy nuối tiếc?  

Ông Lê Doãn Hợp: Đất nước Việt Nam hiện có 3 ngành ngang tầm thế giới là hàng không, viễn thông và CNTT thì 2 trong 3 ngành đó thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ TT&TT. Đây là một điều rất đáng để tự hào.

Ở những mặt còn chưa được, chính phủ điện tử hiện chúng ta đã làm và có nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn chậm so với yêu cầu quản lý và phát triển.

Chiến lược ứng dụng CNTT của Việt Nam vẫn đang triển khai chậm và lúng túng, đặc biệt là chính phủ điện tử, trong khi đây là công cụ để quản lý đất nước. Do đó, cần đẩy mạnh phát triển chính phủ điện tử, đặc biệt là viêc ứng dụng CNTT trong quản lý. 

Đối với lĩnh vực báo chí, báo chí Việt Nam nhiều khi đi sau thực tiễn và không theo kịp mạng xã hội. Phải coi mạng xã hội là một đối tác để báo chí đổi mới và tiến bộ nhanh hơn. 

Chúng ta mới khuyến khích nói đúng những điều đúng nhưng chưa khuyến khích nói đúng những điều sai. Nếu không khuyến khích việc nói đúng những điều sai sẽ không có bài học để làm điều đúng nhiều hơn. Khen phải gắn với chê. Một người chê đúng là một người thầy tốt. 

Bên cạnh đó, có một điều đáng tiếc trong thời gian qua, một vài cán bộ của Bộ TT&TT đã mắc phải những sai phạm. Tuy nhiên đó chỉ là số ít, bề dày truyền thống vẻ vang của ngành vẫn chủ đạo, vẫn là dòng chảy chính.  

Trong những năm gần đây, ngành TT&TT đã lấy lại được niềm tin và tạo nên những dấu ấn tốt, được xã hội đặt nhiều kỳ vọng trong thời đại công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và kinh tế số. 

Với bề dày truyền thống như vậy, dứt khoát ngành TT&TT sẽ vươn lên để làm tròn trọng trách của một ngành tiên phong, đóng góp tích cực cho mục tiêu của Đại hội Đảng lần thứ 13, đó là phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. 

VietNamNet: Nhìn về tương lai, theo dự đoán của ông, bối cảnh ngành TT&TT trong khu vực cũng như trên thế giới sẽ biến chuyển ra sao?

Ông Lê Doãn Hợp: Bây giờ đang là thời đại hội tụ, kết nối và lan tỏa. Viễn thông, truyền hình, CNTT dù muốn hay không đều sẽ hội tụ. Chúng ta phải đón đầu xu thế này. 

Xu hướng thứ 2 là ứng dụng, kết nối và lan tỏa. Trong đó, ứng dụng là ứng dụng CNTT, kết nối là kết nối các con số, còn lan tỏa là đưa đến người tiêu dùng. 

Đối với xu hướng này, nhà nước phải có vai trò xây dựng hạ tầng để từ đó doanh nghiệp, người dân có điều kiện ứng dụng, kết nối để phát triển. Điều này cũng giống như việc phải làm đường băng cần cho máy bay, làm đường sắt cần cho tàu hỏa và làm đường cao tốc cần cho ô tô để cùng nhau phát triển. 

VietNamNet: Trong những năm tới, ngành TT&TT Việt Nam nên có những chính sách gì để chủ động thích ứng với những biến đổi của thời đại?

Ông Lê Doãn Hợp: Mọi cuộc cách mạng muốn thành công thì trước đó đều phải có một cuộc cách mạng về thông tin truyền thông. Vai trò của Bộ TT&TT là vai trò tiên phong, thông tin phải đi trước, thúc đẩy mở đường. 

Mọi sự đổi mới luôn bắt đầu bằng sự thay đổi nhận thức, chỗ đang đứng rất quan trọng, nhưng không quan trọng bằng đường đang đi. Vì thế, Bộ TT&TT phải đi tiên phong trong việc chuyển đổi nhận thức.

Bộ TT&TT cần khái quát được những giá trị của đất nước mình để đưa ra thế giới, đưa đến mọi người dân. Ở chiều ngược lại, Bộ cũng cần chọn được tinh hoa của thế giới, đưa về Việt Nam để so sánh, học hỏi để sớm sánh vai các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong muốn. 

Nước Mỹ trên 300 triệu dân, đội ngũ công chức, viên chức chỉ có 2,1 triệu người. Việt Nam chúng ta hiện có 2,8 triệu công chức, viên chức. Nếu tính cả người nghỉ hưu và hưởng trợ cấp từ ngân sách Nhà nước, sẽ lên đến hơn 7 triệu người, chiếm 8,3% dân số. Tỷ lệ này Việt Nam cao hơn nước Mỹ rất nhiều. 

Báo chí phải làm tốt vai trò so sánh, bởi chỉ khi so sánh mới biết mình là ai, mình đang ở đâu và mình phải làm gì. Báo chí cũng cần phải biết tổng kết thực tiễn Việt Nam để từ đó chỉ ra những cách làm tốt hơn. 

VietNamNet: Có điều gì khiến ông cảm thấy vẫn còn trăn trở trong nhiệm kỳ Bộ trưởng của mình? Nếu nắm giữ vai trò tư lệnh ngành TT&TT một lần nữa, ông sẽ làm gì?

Ông Lê Doãn Hợp: Để lĩnh vực ICT Việt Nam phát triển, hãy học hỏi theo mô hình Israel. Về ứng dụng CNTT trong thời đại 4.0, tại thời điểm này, chưa nước nào có thể tốt hơn Israel. Chỉ cần học 5 điều của Israel là Việt Nam có thể bừng sáng. 

Thứ nhất là không dùng giấy trong hoạt động của bộ máy công chức. Nếu bắt buộc không dùng giấy, tất cả mọi công việc sẽ được chuyển lên môi trường CNTT. 

Điều thứ 2 có thể học hỏi từ Israel là đi khắp đất nước của họ, không có một người bảo vệ nào. Việc kiểm soát cửa ra vào hoàn toàn được thực hiện bằng hệ thống điện tử, ngày trước dùng dấu vân tay và bây giờ là hệ thống nhận diện khuôn mặt. 

Nếu học Israel ở điểm này, ta có thể tiết kiệm được cả triệu lao động để đầu tư vào các lĩnh vực khác trong nền kinh tế. 

Thứ 3 là không sử dụng tiền mặt. Điều này sẽ dẫn đến việc không cần thiết phải in quá nhiều tiền mặt. Quan trọng hơn cả, việc sử dụng thanh toán không tiền mặt sẽ giúp hạn chế tối đa tình trạng tham nhũng và tiêu cực như hiện nay.

Thứ 4, ở Israel không hề có khủng bố dù họ ở trong một hoàn cảnh an ninh phức tạp. Điều này có được là do đất nước họ áp dụng quản lý bằng ứng dụng CNTT rất tốt, bởi con người chỉ tự giác đến mức hoàn hảo khi có công cụ kỹ thuật hỗ trợ trong quản lý. Những thành phần cá biệt trong xã hội sẽ phải chịu hình thức quản lý bằng cách gắn chip định vị cho đến khi phấn đấu trở thành một công dân tốt. 

Điều thứ 5 chúng ta có thể học hỏi ở Israel là không bao giờ có đơn thư khiếu kiện. Nếu người dân thắc mắc, có thể gửi văn bản điện tử lên Chính phủ. Chính phủ xử lý và sẽ trả lời cho gia đình trong thời gian không quá một tháng.

Nhìn chung, chính phủ điện tử hoàn hảo khi có 3 phần mềm hoàn chỉnh, đó là chính phủ với công dân, chính phủ với doanh nghiệp và chính phủ với chính quyền các cấp. 

VietNamNet: Cảm ơn ông về buổi trao đổi này.  

theo vietnamnet.vn

 

Tin tức khác: