Thứ trưởng Phan Tâm: “Phát triển đô thị thông minh phải gắn liền với xây dựng chính quyền điện tử”
(Mic.gov.vn) - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ TT&TT tại Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố Thông minh 2019 (Smart City Summit) do VINASA phối hợp với các Tỉnh thành phố và các tổ chức CNTT quốc tế tổ chức sáng ngày 23/10/2019 tại thành phố Đà Nẵng.
Tham dự sự kiện có Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cùng hơn 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng; lãnh đạo các tỉnh, thành phố, sở, ban ngành, địa phương của 63 tỉnh và thành phố trên cả nước, các lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, các hiệp hội, các viện nghiên cứu…
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực CNTT, ngay trong năm 2019, để phần nào chuẩn hóa tiến trình triển khai, giúp các địa phương tiết kiệm nguồn lực, đi đúng hướng ngay từ đầu, Bộ TT&TT đã ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam, bao gồm: Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh phiên bản 1.0 và Bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 phiên bản 1.0.
Thứ trưởng Phan Tâm: "Phát triển các dịch vụ đô thị thông minh phải lấy người dân làm trung tâm"
Thứ trưởng Phan Tâm đề nghị các thành phố nghiên cứu, áp dụng các văn bản hướng dẫn của Bộ và sớm có phản hồi về các khó khăn, vướng mắc, những mặt được và chưa được trong quá trình triển khai để Bộ TT&TT tiếp tục hoàn thiện các hướng dẫn này.
Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị các địa phương trong quá trình tổ chức, triển khai và vận hành dịch vụ đô thị thông minh cần lưu ý những yếu tố sau: Sự quản lý và điều hành tập trung; Hạ tầng dùng chung; Cơ sở dữ liệu tập trung; Bảo đảm gắn kết giữa phát triển dịch vụ đô thị thông minh với xây dựng chính quyền điện tử; Các dịch vụ đô thị thông minh phải lấy người dân làm trung tâm. Đặc biệt các Sở TT&TT cần đóng vai trò quan trọng trong xây dựng đề án phát triển dịch vụ đô thị thông minh, làm đầu mối tổ chức triển khai đề án và quản lý, duy trì vận hành Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh.
Với vai trò dẫn dắt và định hướng về ICT trong phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, Bộ TT&TT cam kết phối hợp chặt chẽ và đồng hành với các địa phương để cùng nghiên cứu, xây dựng giải pháp hiệu quả nhất trong tổ chức triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu về phát triển đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam.
Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định, việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Thành phố thông minh năm 2019 tại Đà Nẵng là rất kịp thời và cần thiết. Đây là cơ hội tốt để lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, các Bộ ngành và các thành phố lớn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế về xu thế phát triển đô thị thông minh, mô hình thành công, giải pháp thực tiễn, phân bổ nguồn lực có hiệu quả, thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư để triển khai hiệu quả Quyết định của Thủ tướng và Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về đô thị thông minh.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA, đại diện Ban tổ chức Smart City Summit 2019 - Đà Nẵng đã chúc mừng ông Huỳnh Đức Thơ, chính quyền và người dân thành phố Đà Nẵng được nhận Giải thưởng ASOCIO Smart City 2019 vào tháng 8/2019 vừa qua. Đây là sự ghi nhận và đánh gia cao các nỗ lực của thành phố Đà Nẵng trong hành trình xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành thông minh và đáng sống trong khu vực và trên thế giới.
Thành phố Đà Nẵng hiện đang tập trung vào 3 trụ cột kinh tế chính: Công nghệ cao, du lịch và dịch vụ chất lượng cao và Kinh tế biển. Định hướng đến 2045, Đà Nẵng là một đô thị lớn, thành phố thông minh và sinh thái, là thành phố biển đáng sống đẳng cấp trong khu vực Châu Á. Thành phố hiện đã ban hành khung kiến trúc và Đề án Thành phố thông minh. Mục tiêu đến 2030 hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối và đồng bộ với mạng lưới thành phố thông minh trong nước và khu vực ASEAN. Ngoài việc kế thừa các cơ sở hạ tầng dữ liệu của Chính phủ điện tử, Thành phố tiếp tục triển khai các ứng dụng thông minh đã triển khai từ 2014. Đến nay, Thành phố đã và đang triển khai 53 dự án chính với kinh phí hơn 2.200 tỉ đồng để triển khai các dự án về thành phố thông minh đến năm 2025.
Hiện nay, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, áp lực của quá trình đô thị hóa đang hiển hiện rõ ràng, với sự ra đời của ngày càng nhiều “siêu đô thị”. Theo dự báo của PwC – một trong 4 công ty Kiểm toán hàng đầu thế giới, đến năm 2030, trên toàn cầu 43 thành phố sẽ có từ 10 triệu dân trở lên. Riêng tại Việt Nam, theo phân tích số liệu của PwC, tốc độ tăng trưởng đô thị hóa đã được tăng nhanh từ 19,6% (2009) lên 36% (2018) và dự kiến 45% (2020).
Cũng theo ông Trương Gia Bình, “Áp lực đô thị hóa quá nhanh đang song hành cùng những nguy cơ tụt hậu về công nghệ, về kinh tế - xã hội…, và không chỉ là câu chuyện của riêng tỉnh thành nào, không chỉ của riêng Việt Nam. Thông qua Hội nghị Thượng đỉnh lần này, Ban tổ chức kỳ vọng mang đến những giá trị và tư liệu thiết thực cho quá trình phát triển các đô thị thông minh tại Việt Nam: Đó là sự kết nối giữa các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia hàng đầu; đồng thời là sự lan tỏa những tri thức công nghệ tiên tiến nhất và kinh nghiệm thực tiễn nhất đến các bên”.
Tại Hội nghị đã diễn ra 4 phiên chuyên đề lớn tập trung vào các chủ đề: Điều hành Thành phố Thông minh dựa trên Định hướng dữ liệu (Data-Driven); Chính quyền số và Tài chính cho Smart City; Hạ tầng và Công nghệ cho Smart City; Các ứng dụng Smart City.
Được tổ chức thường niên từ 2017, Hội nghị thượng đỉnh về Thành phố thông minh là sáng kiến của VINASA phối hợp với các tỉnh, thành phố và các tổ chức CNTT quốc tế tổ chức thường niên, nhằm chia sẻ tầm nhìn chiến lược, kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh của các thành phố trong nước và khu vực. Qua đó, hội tụ các đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia, tập đoàn công nghệ… đưa ra những giải pháp quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị thông minh phù hợp với các thành phố dựa trên nền tảng công nghệ mới như: IoT, Big Data, AI,… đem lại sự thuận tiện cho đời sống nhân dân, an toàn và an sinh xã hội, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng./.
Giang Phạm
Tin tức khác:
- Trợ lý ảo là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT (04/07/2024 )
- Doanh nghiệp công nghệ dân tộc là nhân tố chính để phát triển đất nước (16/02/2024 )
- Ứng dụng công nghệ số để làm nhiều việc hữu ích hơn (15/02/2024 )
- Thông tin liên lạc thông suốt dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn (13/02/2024 )
- Lời cảm ơn tốt nhất, ý nghĩa nhất đối với các thế hệ đi trước chính là cùng nỗ lực để Bộ, ngành TT&TT ngày càng phát triển (30/01/2024 )