Thứ bảy, 27/04/2024 15:13:28

Tìm ra cách tiếp cận độc đáo để phát triển bứt phá

Cập nhật | 15-02-2024

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, dẫn dắt một ngành hay lĩnh vực thì đầu tiên phải tìm ra cách tiếp cận độc đáo để tạo ra sự phát triển bứt phá.

Bộ ta có 10 chữ vàng: Trung thành - Dũng cảm  - Tận tuỵ - Sáng tạo - Nghĩa tình. 10 chữ vàng này là cha anh để lại cho chúng ta,  tạo nên bản sắc của Bộ ta, ngành ta. Không kế thừa là mất đi cội nguồn của chính mình. Nhưng 10 chữ vàng này sẽ chỉ sống được nếu được vận vào hoạt động hàng ngày. Ở mỗi giai đoạn phát triển, nó cũng cần có những nội hàm mới.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việc càng khó, càng bất khả thi, việc càng lớn, càng vĩ đại thì càng cần cách tiếp cận mới. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trung thành là trung thành với lý tưởng, trung thành với sự nghiệp đổi mới ngành TT&TT. Sống mà không có lý tưởng thì cũng giống như sống mà không có mục đích. Trung thành là dù trong hoàn cảnh nào, khó khăn đến mấy thì vẫn lý tưởng ấy, vẫn sự nghiệp ấy, vẫn mục tiêu ấy, vẫn ngôi sao dẫn lối ấy. Trung thành cũng còn là trung thành với tổ chức, đơn vị mình. Gặp khó khăn thì chung tay mà làm, không bỏ mà đi. 
 
Dũng cảm là dám nói suy nghĩ của mình, dám nhận việc mới mà làm, dám đặt mục tiêu cao, dám chấp nhận thách thức. Dũng cảm là đi xuyên qua khó khăn thay vì né tránh. Dũng cảm là khi gặp sự cố, tai nạn thì không đổ vấy sang đồng nghiệp, dám chịu trách nhiệm. Dũng cảm là khi thất bại thì đứng dậy làm tiếp, thử sai nhiều lần để tiến tới thành công. Dũng cảm thì chung quy là một chữ “dám”.
 
Tận tuỵ là tinh thần làm việc gì cũng hết mình. Tận tuỵ là không quản ngày đêm. Tận tuỵ là sự cống hiến, phụng sự. Tận tuỵ là sự phục vụ chu đáo người dân, doanh nghiệp. Tận tuỵ thể hiện ở chỗ, khi làm việc, khi phục vụ thì chú ý đến những chi tiết nhỏ nhất.
 
Sáng tạo là luôn tìm cách tiếp cận mới, cách làm mới. Sáng tạo chính là đổi mới. Ngày hôm nay khác ngày hôm qua, và ngày mai khác ngày hôm nay. Sáng tạo sẽ tạo ra sức sống của một tổ chức. Sáng tạo của giai đoạn này là sự sáng tạo dựa trên công nghệ số, chuyển đổi số đổi. Không đổi mới, không sáng tạo thì giống như một tổ chức chết. Sáng tạo là để ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua và ngày mai tốt hơn ngày hôm nay, dù chỉ một chút nhỏ 1%.
 
Nghĩa tình là sự biết ơn. Là có trước, có sau. Hôm nay không tự nhiên mà có. Cái mình đang được hưởng hôm nay cũng không tự nhiên mà có. Muốn nghĩa tình thì đầu tiên là làm cho tổ chức mà cha anh đã dựng xây lên tiếp tục phát triển, có được những vinh quang lớn hơn. Giống như con sông thì có cội, có nguồn nhưng phải chảy ra được biển lớn. Nghĩa tình tạo ra mối liên kết giữa các thế hệ và tạo ra dòng chảy liên tục. Nghĩa tình chỉ có ở con người.
 
 
Nét đẹp lì xì sách trong ngày làm việc đầu năm mới ở Bộ TT&TT. Quà tặng đầu năm Giáp Thìn 2024 của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dành cho trưởng, phó các đơn vị là cuốn sách "Tư duy đa chiều - Giải pháp phi thường cho vấn đề thông thường". Ảnh: Lê Anh Dũng
 
Bộ ta cũng có phương châm hành động 8 chữ: Làm gương - Kỷ cương - Trọng tâm - Bứt phá. Đây là cách mà chúng ta làm việc trong thời nay.
 
Làm gương là phương châm chính của người lãnh đạo. Làm lãnh đạo là nói trước, làm trước, dẫn cả làng theo sau. Mình có tin thì mới lan toả được niềm tin ấy tới người khác. Mình có làm thì người dưới mới làm theo. Làm gương cũng là một trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng ta. Với người châu Á, người Việt Nam thì làm gương là quan trọng số một.
 
Kỷ cương là sự tuân thủ, là sự tuân thủ của tất cả mọi người, ở tất cả các cấp, ở tất cả các công việc. Sức mạnh của tổ chức là từ đây. Không có kỷ cương thì tổ chức không thể hoàn thành bất cứ việc gì. Nhận việc thì làm đến nơi, làm đến kết quả. Đã hứa thì phải làm. Mệnh lệnh ban ra thì thông suốt từ trên xuống dưới. Người trong tổ chức thì phải có kỷ cương, kỷ luật.
 
Trọng tâm là tìm ra cái chính. Cái chính là cái chiếm 10-20% nhưng quyết định tới 80-90%. Làm xong cái chính thì tự khắc những cái khác sẽ được giải quyết. Tìm ra cái chính là việc đầu tiên, nhiều khi là việc khó nhất. Sau đấy mới là làm. Cái phổ biến bây giờ là khi nhận một việc là chúi mũi làm ngay, không phân biệt chính phụ, phân bổ nguồn lực cũng không phân biệt chính phụ. Với nguồn lực hạn chế như Bộ ta mà không tìm ra cái chính để tập trung thì việc sẽ không thành hoặc thành cũng chỉ là mức trung bình. Bộ mà nắm, các Cục mà nắm thì cũng phải là nắm cái chính, nắm cái trục, nắm cái có tính lan toả toàn quốc.
 
Bứt phá là tìm ra cách tiếp cận độc đáo để tạo ra sự phát triển đột phá. Không phát triển bứt phá thì sẽ không thay đổi được thứ hạng quốc gia, Việt Nam sẽ không thể vươn lên thành nước phát triển. Mỗi cuộc CMCN sẽ chỉ có vài nước hoá rồng, hoá hổ, đó là những nước tìm ra được sự phát triển bứt phá. Việt Nam muốn hoá rồng thì phải có sự phát triển bứt phá. Bộ TT&TT muốn dẫn dắt CĐS thành công thì phải có giải pháp đột phá để tạo ra sự phát triển bứt phá. Thay đổi cách tiếp cận thì một việc khó sẽ trở thành một việc dễ, một việc không khả thi sẽ thành khả thi. Việc càng khó, càng bất khả thi, việc càng lớn, càng vĩ đại thì càng cần cách tiếp cận mới. Việc mà ta thấy khó, thấy lớn, thấy bất khả thi, thấy lớn, thấy vĩ đại là do dưới một góc nhìn, là do dưới một cách tiếp cận. Đổi góc nhìn, đổi cách tiếp cận thì sẽ thấy khả thi, làm được. Thay đổi góc nhìn thì ngay cả những điểm yếu cũng trở thành những điểm mạnh. Thay đổi cách tiếp cận thì từ không có nguồn lực lại thành rất nhiều nguồn lực. Dẫn dắt một ngành, một lĩnh vực thì đầu tiên là phải nghĩ, phải tìm ra cách tiếp cận độc đáo để tạo ra sự phát triển bứt phá, và sau đấy mới là làm ra sự bứt phá.
 
Năm nay, Ban cán sự Đảng cũng tặng nhau mấy chữ Rộng hơn - Toàn diện hơn - Nhanh hơn- Chất lượng hơn - Thiết thực hơn.
 
Rộng hơn là khi làm việc, khi nhìn nhận một vấn đề thì nhìn rộng ra xung quanh để thấy bức tranh toàn cảnh, để ứng xử cho cân bằng. Nhìn rộng ra thì thấy vấn đề của mình nhỏ đi. Nhìn rộng ra thì thấy thêm nhiều cách tiếp cận mới. Nhìn rộng ra thì phải lùi ra xa, lùi ra xa thì sẽ thấy vấn đề của mình đơn giản hơn, tránh được sự phức tạp hoá vấn đề khi nhìn quá gần. Nhìn thật rộng ra cả vũ trụ thì sẽ thấy tĩnh lặng. Nhìn sâu vào một việc thì thấy rất sôi động. Làm việc, và nhất là khi ra quyết định, phải nhìn gần rồi nhìn rộng ra.
 
Toàn diện hơn là mình được giao bao nhiêu việc, trách nhiệm mình có bao nhiêu việc thì phải làm đủ các việc đó. Không được bên nặng, bên nhẹ. Không được cái nào thuận tay thì làm, cái khó thì bỏ. Toàn diện bao giờ cũng là yêu cầu số một đối với người đứng đầu. Nhìn một người khác cũng phải nhìn toàn diện. Không chỉ nhìn một góc rồi kết luận ngay. Cuộc sống cũng vậy, cũng phải toàn diện, có làm - có chơi, có nghiêm túc - có thả lỏng, có chuyên nghiệp - có nghiệp dư, có vật chất - có tinh thần, có cơ quan - có gia đình.
 
Nhanh hơn là làm dứt điểm, quyết nhanh, thấy khó thì nghĩ liên tục cho ra thay giữ lại ở đó. Nhanh thì được, chậm có khi lại không thành. Nhanh là dồn lực, dồn lực thì có được năng lượng lớn, vượt qua được khó khăn. Kẻ nhanh thì thắng kẻ chậm, kể cả kẻ to hơn mà chậm. Muốn nhanh thì phải tìm thấy cái cốt lõi. Nhanh thì mới có thời gian mà chơi. Thời gian trôi nhanh hay chậm là do làm việc nhanh hay chậm. Làm việc mà chậm là thời gian ngừng trôi. Thời gian chảy nhanh hay không là do làm được nhiều việc hay không. Nhanh hơn là cuộc sống được trải nghiệm nhiều hơn. Và vì vậy mà giàu có hơn. Nhanh thì dẫn đến nhanh. Chậm là sẽ lại chậm hơn. Nhanh không đồng nghĩa với ẩu, hay chất lượng thấp. Nhanh thường đi với chất lượng hơn. Nhanh thường đi với xuất sắc. Nhưng làm việc thì nhanh, sống thì nên chậm. 
 
Chất lượng hơn là làm việc thì phải chú ý đến chất lượng, không trung bình chủ nghĩa. Việc mà dẫn dắt người khác thì phải cho xuất sắc. Chất lượng thì mới tồn tại được lâu dài. Chất lượng thì dẫn đến thương hiệu. Chất lượng thì mới được mong chờ. Chất lượng thì kích hoạt chất lượng. Con người được nhận một cái chất lượng thì có xu thế làm việc của mình chất lượng hơn. Chất lượng thì đáng làm. Làm ẩu thì mình cũng thấy ngượng với chính mình. Mình có làm việc chất lượng thì mới tạo ra cuộc sống chất lượng cho chính mình.
 
Thiết thực hơn là làm việc tạo ra giá trị, ích lợi cho người dân, cho doanh nghiệp, cho tổ chức của mình. Làm việc mà không thiết thực thì không nên làm, tốn của cải vật chất của nhà nước mà lại không mang lại lợi ích gì. Làm gì thì cũng phải lấy người dân, doanh nghiệp, nhân viên của mình làm trung tâm. Niềm vui của một việc làm thiết thực là thấy giá trị mang lại cho người khác. Việc không thiết thực thì thường là việc để thăng tiến, hoặc là việc để tiêu tiền công. Thiết thực thì không màu mè. Thiết thực thì bền vững, không phải xây trên cát. Thiết thực thì sẽ thiết thực tiếp. Thiết thực thì mới hưng thịnh quốc gia. Thiết thực thì mới làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Thiết thực thì tiết kiệm. Thiết thực thì giản dị.
 
Chúc từng cá nhân trong Bộ TT&TT biết dùng công nghệ số, biết tìm cách tiếp cận mới để việc nhẹ đi, để làm được nhiều việc hữu ích hơn, biết vui với các kết quả hàng ngày, sáng muốn đến cơ quan, tối muốn về nhà.
 
TH

 

Tin tức khác: