Thứ hai, 25/11/2024 18:36:51

Sáng chế của Viettel lần đầu được Mỹ bảo hộ độc quyền

Cập nhật | 04-11-2019

(Mic.gov.vn) - Mới đây, Cơ quan quản lý sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) đã cấp bằng bảo hộ độc quyền cho Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) với sáng chế “Phương thức phân chia dữ liệu ngẫu nhiên trong các hệ thống phân tán đa vi xử lý” số 15/633,743

Nhóm tác giả: Vũ Đức Chính, Nguyễn Trung Hải, Lê Thanh Bằng, Nguyễn Thị Thu Thúy thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT)- Đơn vị thành viên của Viettel.

Bằng bảo hộ độc quyền cho Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) với sáng chế “Phương thức phân chia dữ liệu ngẫu nhiên trong các hệ thống phân tán đa vi xử lý” số 15/633,743. Ảnh: VHT cung cấp

Trước khi được cấp bằng bảo hộ tại Mỹ, sáng chế này cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ độc quyền số 1-2016-03331 ngày 30/8 trên lãnh thổ Việt Nam.

Sáng chế đề xuất phương thức phân chia dữ liệu ngẫu nhiên trong các hệ thống phân tán đa vi xử lý giúp phân tán dữ liệu ngẫu nhiên đồng đều tới từng vi xử lý trong từng nút mạng và giúp giảm tải khi thực hiện tái cấu hình hệ thống.

Thực hiện thông qua hàm băm chỉ số của từng phần tử rồi phân chia vào các nút mạng, khác biệt ở chỗ không những dùng hàm băm chỉ số từng phần tử mà còn dùng hàm băm chuỗi mô tả từng nút để phân chia phần tử vào từng vi xử lý trong nút mạng.

Sáng chế là nền tảng (platform) triển khai dịch vụ sử dụng công nghệ NB-IoT tại Hà Nội. NB-IoT là công nghệ phát triển dành cho các thiết bị nhằm hỗ trợ kết nối vạn vật (IoT). Đồng thời đang ứng dụng trong hệ thống IMDB (In-Memory database) thuộc hệ thống tính cước thời gian thực (VOCS).

Ông Tào Đức Thắng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội cho biết: "Việc triển khai IoT là một minh chứng hiện thực hóa sứ mệnh ấy của Viettel, thể hiện cam kết, nỗ lực của chúng tôi vì một xã hội thông minh hơn, một Việt Nam hiện đại hơn”.

Từ năm 2016, Ban lãnh đạo đã xác định việc nhận diện và bảo hộ các tài sản trí tuệ trong tổ chức là vô cùng quan trọng. Chúng tôi đã phát động hoạt động nhận diện và đăng ký sáng chế đến toàn bộ kỹ sư nghiên cứu các đề tài dự án.

Cơ chế chính sách của Tập đoàn cũng đã động viên khuyến khích các kỹ sư của Tổng công ty tích cực đăng ký các giải pháp kỹ thuật làm sáng chế, giải pháp hữu ích, xem đó như là tài sản trí tuệ của Viettel. Toàn Tổng công ty đã đăng ký 20 sáng chế trong đó 19 sáng chế từ khối quân sự và 1 sáng chế từ khối dân sự.

 

Sang năm 2017, sau các hội thảo về Sở hữu trí tuệ và tăng cường truyền thông đến các kỹ sư, Tổng công ty đã đăng ký 34 sáng chế, gấp 1,5 lần so với 2016. Trong khi khối quân sự vẫn giữ đà tăng trưởng (có 27 sáng chế), thì khối dân sự có sự phát triển ngoạn mục, tăng 7 lần so với năm 2016 (có 7 sáng chế).

Đặc biệt, Tổng công ty có 1 sáng chế đăng ký thành công tại Mỹ - một đất nước có nền khoa học công nghệ hàng đầu thế giới, khẳng định việc bảo hộ tài sản trí tuệ của Viettel tại các nước phát triển là khả thi.

Năm 2018 tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng hoạt động đổi mới sáng tạo khi Tổng công ty đã đăng ký thành công 45 sáng chế trong nước và 6 sáng chế quốc tế, vượt kế hoạch Tập đoàn giao.

Tổng công ty đã đón nhận những thành quả sau 3 năm phát động hoạt động xác lập và bảo hộ tài sản trí tuệ với việc có 2 sáng chế và 1 kiểu dáng công nghiệp được cấp bằng bảo hộ độc quyền tại Việt Nam.

Mic.gov.vn

Tin tức khác: