Thứ hai, 25/11/2024 18:40:55

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải kiểm tra công tác PCTT và TKCN tại tỉnh Hà Giang

Cập nhật | 02-07-2019
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có đồng chí Trần Đức Quý, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh, các đơn vị viễn thông trên địa bàn.
 
20190702-m02.jpg
​ 
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải phát biểu tại buổi làm việc.
 
Báo cáo với đoàn công tác, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cho biết, trong những năm qua, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp với các dạng chủ yếu gồm: Lũ, lũ quét, ngập lụt, bão, sạt lở đất, mưa lớn, mưa đá, lốc và sét. Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 15 đợt mưa, trong đó có một số đợt kèm theo mưa đá, gió lốc và sét; làm chết 04 người, bị thương 23 người, 6.158 ngôi nhà bị ảnh hưởng, hơn 1.650 hecta cây trồng các loại bị hư hại, nhiều cơ sở hạ tầng bị hư hỏng ảnh hưởng và nhiều thiệt hại khác của nhà nước, của nhân dân. Thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm 2019 đến nay ước gần 54 tỷ đồng.
 
Tại buổi làm việc, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Hà Giang cũng đã báo cáo công tác chuẩn bị và thực hiện phương án ứng phó với các loại hình thiên tai chính với Đoàn công tác. Về phương án bảo vệ hồ đập, công trình xung yếu; công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" ứng phó với bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, ... nhất là các biện pháp cần thiết đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại, hiện các sở, ngành và các huyện, thành phố đã xây dựng phương án cụ thể để chủ động trong việc chuẩn bị nguồn lực để thực hiện trước mùa mưa bão đang cận kề. Đồng thời tích cực tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu, phòng tránh tốt nhất khi thiên tai xảy ra.
 
Về phương án phòng chống cháy rừng, tỉnh thường xuyên quan tâm trong chỉ đạo triển khai thực hiện, kết quả năm 2018 không xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Đối với các sông suối biên giới khi mùa mưa lũ bị ảnh hưởng rất lớn khi bên Trung Quốc xả lũ; tỉnh Hà Giang cũng đã có đề nghị Bộ Ngoại giao làm việc với bên phía nước bạn Trung Quốc để thống nhất phương án xả lũ nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất được.
 
Để đảm bảo “4 tại chỗ” thì phải có con người và trang bị phương tiện đầy đủ. Đối với một tỉnh biên giới có địa hình hiểm trở, khó khăn trong giao thông đi lại như tỉnh Hà Giang thì đòi hỏi con người và phương tiện phải lớn hơn rất nhiều so với các tỉnh khác. Trước vấn đề nêu trên, tỉnh Hà Giang đã đề nghị Đoàn công tác có báo cáo với các Bộ, ngành Trung ương sớm xây dựng hoàn thiện Đề án chuyên trách đảm bảo “4 tại chỗ” cho các địa phương; có kế hoạch hỗ trợ cho các tỉnh biên giới đảm bảo đường biên, mốc quốc giới; đề nghị xem xét nâng mức hỗ trợ kinh phí thực hiện chương trình quy tụ dân cư, hỗ trợ nhà bị thiệt hại hoàn toàn, hỗ trợ khôi phục sản xuất; có chỉ đạo cụ thể về thành lập cơ quan chuyên trách về PCTT và TKCN ở cấp tỉnh, huyện tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh, thành phố trong triển khai thực hiện; đề nghị các Bộ, ngành Trung ương xem xét rút ngắn quy trình hỗ trợ khắc phục thiên tai, đặc biệt là khôi phục sinh kế cho người dân và khắc phục cơ sở hạ tầng, để các địa phương chủ động triển khai thực hiện; trong thời gian qua, có những đề xuất hỗ trợ của địa phương phải chờ thời gian dài mới có phản hồi hoặc mới được bố trí, thời gian chờ phản hồi, một số địa phương khó khăn về ngân sách phải triển khai khắc phục và khôi phục rất thiếu chủ động, manh mún, chắp vá và hiệu quả thấp…
 
Đánh giá cao công tác PCTT trên địa bàn tỉnh, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đề nghị tỉnh cần chủ động hơn nữa trong kế hoạch thông tin tuyên truyền Luật PCTT để nâng cao nhận thức cho người dân, phải làm cho dân hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình trong từng hoàn cảnh khi có thiên tai xảy ra để có hành động phù hợp. Đặc biệt đối với các dạng thiên tai hay xảy ra như lũ quét, sạt lở đất và những khu vực có nguy cơ mất an toàn; nghiên cứu xây dựng phương án thông tin cảnh báo, tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh thiên tai đến cộng đồng dân cư bên cạnh đó cần nhận diện ứng phó với các loại hình thiên tai mới. Đề nghị tỉnh bổ sung thêm phương án đảm bảo an toàn giao thông theo đặc thù của tỉnh Hà Giang; quan tâm công tác phòng, chống cháy rừng, diễn tập cứu hộ, cứu nạn cần có phương án chi tiết hơn. Đồng thời, Đoàn công tác sẽ tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của tỉnh để báo cáo Ban chỉ đạo TWPCTT phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xem xét, giải quyết.
 
20190702-m03.jpg
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnhTrần Đức Quý phát biểu tại buổi làm việc.
 
Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo tỉnh Hà Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý đã cảm ơn sự quan tâm và hỗ trợ từ Trung ương cùng các Bộ, Ngành trong thời gian qua. Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tại tỉnh Hà Giang, thiên tai thường xuyên xảy ra và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống đường giao thông của tỉnh, do vậy công tác quy tụ dân cư và xây dựng nâng cấp đường giao thông cũng gặp rất nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ mong muốn Trung ương tiếp tục quan tâm, ưu tiên nhiều hơn nữa đối với tỉnh Hà Giang. Đồng thời khẳng định địa phương sẽ chủ động, tích cực hơn nữa trong công tác PCTT và TKCN để đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân.
 
Buổi chiều, theo chương trình làm việc, Đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương sẽ đi kiểm tra thực tế tại thủy điện sông Miện 6 và hồ Chùng thuộc xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang./.


Nguyễn Doan.
Theo cổng thông tin điên tử Hà Giang

Tin tức khác: