Thứ hai, 25/11/2024 08:13:36

Phải thật sự xuất sắc để dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số quốc gia

Cập nhật | 13-03-2021

(Mic.gov.vn) - Với sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT phải thật sự xuất sắc để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Chính phủ số vào năm 2025. Đó là chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị trực tuyến giao ban quản lý nhà nước quý I/2021 diễn ra sáng ngày 12/3/2021 tại Hà Nội.

Mục tiêu Chuyển đổi số đã được ghi trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng 

Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”, Bộ trưởng yêu cầu toàn Ngành tập trung đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào thực tiễn cuộc sống và Bộ TT&TT với sứ mệnh dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số (CĐS) phải thật sự xuất sắc, để tạo ra sự phát triển bứt phá của đất nước trong vòng 5 năm, 10 năm và 25 năm tới. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Góp ý cho dự thảo Chiến lược phát triển Chính phủ số Việt Nam trình bầy tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ rõ: khi xây dựng chiến lược chúng ta phải đặc biệt chú ý tới tính khả thi khi thực hiện, bảo đảm không có khoảng cách từ nhận thức đến hành động.

Khẳng định lại CĐS là công cuộc chuyển đổi toàn diện bắt đầu từ nhận thức của người đứng đầu cho tới hành động, Bộ trưởng yêu cầu toàn Ngành cần thống nhất nhận thức là Sở TT&TT dẫn dắt CĐS của tỉnh, địa phương và các Cục CNTT (hoặc Trung tâm CNTT) của các Bộ, ngành dẫn dắt CĐS của Bộ, ngành và của cả lĩnh vực đó.

Để nhận thức trên đi vào thực tiễn, Bộ TT&TT đang trao đổi với một số Bộ, ngành để đề nghị Chính phủ nhiệm kỳ mới xem xét, cân nhắc việc đổi tên các Đơn vị chuyên trách CNTT thành Cục CĐS (hay Trung tâm CĐS). Bộ TT&TT sẽ có văn bản đề nghị các tỉnh, các Bộ, ngành sớm ban hành Nghị quyết chuyên đề và chiến lược CĐS của tỉnh/ngành mình; Cố gắng trong quý II/2021, 100% Bộ, tỉnh có Nghị quyết/chiến lược CĐS theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các Giám đốc CNTT cần nhật thức rõ đây là “cái gậy”, là hành lang pháp lý của mình để thực hiện.

Bộ trưởng chia sẻ, vì hạ tầng số phải đi trước để thúc đẩy CĐS quốc gia nên muốn Việt Nam lọt vào top 50 của Chính phủ số theo xếp hạng của Liên hợp quốc, hiện Bộ TT&TT đang bàn bạc để xây dựng bộ tiêu chí về hạ tầng số của Việt Nam với mục tiêu lọt vào top 30 của thế giới trước năm 2025. Khi ban bố bộ tiêu chí này, Bộ trưởng yêu cầu phải bắt tay xây dựng bộ tiêu chí này ngay trong tháng 4 để trình ký ban hành được vào tháng 6/2021. Cục Viễn thông phải ban bố kèm theo hướng dẫn cho các tỉnh thực thi. Các tỉnh theo đó lập kế hoạch để thực hiện.

Bộ trưởng chỉ đạo, Việt Nam không thể vào top 50 về Chính phủ số nếu như hạ tầng số không nằm trong top 30. Năm 2021, về cơ bản các mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) sẽ kết thúc với nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thành chỉ tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đến thời điểm này, hiện mới có khoảng 5 - 6 Bộ, ngành, địa phương (gồm Bộ TT&TT, Bộ Y tế, BHXH, Bến Tre…) hoàn thành, do đó, Bộ TT&TT phải tiếp tục chủ trì việc gửi công văn cho các Bộ ngành, địa phương để hướng dẫn, đôn đốc thực hiện kế hoạch, nếu không quyết liệt sẽ không đạt được mục tiêu đề ra.

Các điểm cầu tham gia Hội nghị trực tuyến giao ban QLNN quý I/2021 của Bộ TT&TT

Năm 2021 - năm đầu tiên của những khởi tạo mới

Bộ trưởng nhấn mạnh, năm 2021 là năm rất đặc biệt, năm đầu tiên chúng ta khởi tạo một chặng đường mới, không chỉ ngành TT&TT mà cả đất nước. Là năm đầu tiên những kỳ vọng của đất nước, của Ngành được ghi vào các văn kiện của Đại hội Đảng; năm đầu của nhiệm kỳ Chính phủ mới; năm đầu tiên Bộ TT&TT tập trung vào triển khai những việc lớn mang tính cách mạng: chuyển đổi số, chính phủ số, hạ tầng số, báo chí truyền thông chuyển hướng sang môi trường số chính thức,…

Năm 2021 là năm dầu tiên của những khởi tạo mới để hướng tới hoàn thành xây dựng chính phủ số vào năm 2025, do vậy những khởi tạo này phải được bắt đầu từ tư duy, nhận thức cho đến những hành động cụ thể.

Bắt đầu từ nhận thức, Bộ trưởng đã nhắc lại những quan điểm nòng cốt khi triển khai Chính phủ số đã được nêu ra tại phiên họp Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử , hướng tới Chính phủ số vào ngày 10/3, đó là: Về cam kết của người đứng đầu Chính phủ và các cấp; Cần có một chiến lược xuyên suốt, đi qua nhiều nhiệm kỳ; Chính phủ điện tử phải luôn lấy người dân làm trung tâm; Chính phủ điện tử là môi trường mới nên thể chế phải đi trước; Chính phủ điện tử phải gắn liền với cải cách thủ tục hành chính; Cần có cơ quan điều phối thống nhất; Hài hoà giữa tập trung và phân tán; Luôn dùng công nghệ mới nhất; Đặt mục tiêu cao để tìm cách làm đột phá; Cần có nguồn ngân sách ổn định cho Chính phủ điện tử.

Còn về hành động, Bộ trưởng đã đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với Bộ, các Vụ, Cục, các Sở TT&TT và những người đứng đầu trong năm 2021.

Năm 2021 mỗi Bộ, ngành, địa phương cần chọn ra khoảng 3 nội dung chính liên quan đến CĐS để triển khai. Chọn cái khó khăn, cái mang lại giá trị nhất cho địa phương, Bộ, ngành đó để tập trung chỉ đạo và làm.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ ban hành Quyết định chỉ đạo cái gì dùng chung thì do Bộ TT&TT đầu tư cả về hạ tầng, cả về nền tảng. Trong chiến lược phát triển Chính phủ số nêu rất rõ những gì là nền tảng quốc gia thì quốc gia làm, đầu tư và cần làm nhanh, làm tốt. Bộ TT&TT cũng kiến nghị về việc cái gì cần đầu tư, cái gì cần thuê. Tới đây, Bộ TT&TT chính thức vận hành 1 private cloud cho nên các tỉnh, Bộ ngành nào chưa đầu tư, phát triển được ứng dụng CNTT hoặc CĐS thì sử dụng nền tảng này.

Liên quan đến môi trường mới đó là thể chế và thị trường, Bộ trưởng yêu cầu cần thay đổi cách làm, cải cách thủ tục hành chính, làm vì người dân, lấy người dân làm trung tâm. Sau giai đoạn lấy người dân làm trung tâm cần phải dùng công nghệ mới, chuyển sang công nghệ số thì rẻ hơn, làm nhanh hơn; chúng ta cần phải dành nguồn ngân sách ổn định chi cho công nghệ thông tin.

Bộ trưởng cho biết, một trong những thử nghiệm quan trọng để thay đổi căn bản về hoạt động QLNN trong Chính phủ số, đó là trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ thành lập “Cục ảo” để tất cả những người hoạt động trong lĩnh vực chuyển đổi số trên toàn quốc có thể tham gia. Với quan điểm lấy người dân làm trung tâm, thay đổi phương thức làm việc của công chức, viên chức nhà nước, mỗi một “Cục ảo” (ví dụ như Cục Tin học hóa ảo) này, thành phần sẽ có tới cả ngàn người cùng tham gia (từ người của chính quyền, cho tới doanh nghiệp, chuyên gia và người dân), họ vẫn ngồi tại đơn vị của mình, nhưng họ vận hành bằng một phần mềm để giải quyết những câu chuyện chung. Nếu chúng ta vận hành thành công mô hình này thì sẽ thay đổi căn bản công tác quản lý nhà nước. Đây chính là mô hình chuyển đổi số chính quyền.

Tại cuộc họp đánh giá kết quả hai năm triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 và định hướng phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số giai đoạn mới vừa qua, Chính phủ đánh giá, năm 2020, Bộ TT&TT có chuyển biến rất mạnh mẽ về chính phủ điện tử, ví dụ về dịch vụ công mức độ 4 từ 10% tăng lên 30% (tăng gấp 3 lần); trục kết nối chia sẻ dữ liệu hết 2019 thì chưa đạt 20%, sau đã tăng lên 100%; việc bảo vệ ATTT theo 4 lớp thì hết 2019 là 0% thì đến 2020 là 100%;.. Bộ trưởng cho rằng, năm 2021 là cơ hội để thăng hạng cho Việt Nam. Cố gắng đến năm 2022, khi thế giới công bố thứ hạng về Chính phủ số thì chúng ta ít nhất phải tăng 10 hạng và mục tiêu đặt ra là 15 hạng (tức là từ thứ hạng 86 xuống thứ hạng 70).

Bộ trưởng cho rằng, tổng kết một số bài học về Chính phủ điện tử, những bài học tại Hội nghị sơ kết 2 năm về phát triển Chính phủ điện tử cơ bản sẽ đúng trong CĐS giai đoạn tới. Trong đó có bài học cam kết của người đứng đầu. Nghị quyết của cấp ủy là rất quan trọng, đó không phải là câu chuyện 1 năm mà đó là câu chuyện 5 năm, 10 năm, do vậy bắt buộc phải có một chiến lược xuyên suốt.

Bộ trưởng nêu rõ, người dẫn dắt phải là người xuất sắc, nếu người dẫn dắt mà trung bình thì sẽ nguy hiểm cho đất nước mình, dân tộc mình.

Thể hiện rõ trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm của người đứng đầu, ngay tại cuộc họp trực tuyến, Bộ trưởng đã xin lỗi một Sở TT&TT địa phương khi biết Sở có văn bản hỏi một Cục chức năng của Bộ trong thời gian dịch covid đang diễn biến phức tạp, thì nhận được văn bản trả lời của Cục là “làm theo quy định”!!! Bộ trưởng thẳng thắn: làm QLNN như vậy là chưa hết trách nhiệm, không mang lại giá trị cho Sở, cho địa phương.

Bộ trưởng yêu cầu các Cụ, Vụ, đơn vị của Bộ, đầu tiên là những người đứng đầu phải thường xuyên, thậm chí ngay lập tức xuống địa phương khi xảy ra sự việc phức tạp, cùng chung tay tháo gỡ; Người lãnh đạo trong CĐS phải là người “thò tay” vào làm trước, cùng làm với anh em, có vậy mới hiểu, nắm kỹ vấn đề; Người lãnh đạo phải là người luôn đặt ra yêu cầu cao, làm việc gì cũng phải đến nơi đến chốn, sẵn sàng giải quyết những việc khó mà anh em không làm được, tóm lại, phải là người xuất sắc – Bộ trưởng nhắc lại.

Tại hội nghị, Bộ trưởng cũng đã trao đổi, trả lời và giải quyết trực tiếp một số ý kiến, kiến nghị của các Sở TT&TT. Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tạo ra một bộ công cụ, để từ nay phát hiện nhanh Covid-19 chính xác để giảm thiểu đáng kể số lượng người phải cách ly, để nền kinh tế vẫn phát triển được và đạt được mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra.

Đối với việc đọc sách, Bộ trưởng gợi ý mục tiêu không phải là đọc nhiều sách, mà mục tiêu là đọc đúng để thay đổi nhận thức, việc làm của mình. Thay vì một năm xuất bản từ 30-40 nghìn đầu sách thì Cục Xuất bản, In và Phát hành cần tìm ra 2 -3 hoặc 5 “viên ngọc” trong số 30-45 nghìn đầu sách ấy. Nếu như “viên ngọc” ấy làm thay đổi 1 triệu người Việt Nam thì sẽ làm thay đổi nhận thức của toàn bộ đất nước này, dân tộc này sẽ bứt phá vươn lên./.

PV

Tin tức khác: